Cao Lãnh, Đồng Tháp có rất nhiều ngôi chùa cổ được các tín đồ Phật tử và các du khách tìm về chiêm bái. Các ngôi chùa ở Cao Lãnh không chỉ có cảnh quan rất đẹp mà còn nổi tiếng với sự linh thiêng, cổ kính, niên đại lâu đời. Nếu đến Đồng Tháp du lịch bạn đọc hãy cùng Top Xuyên Việt điểm danh các ngôi chùa nổi tiếng này.
1. Chùa Bửu Lâm – Ngôi chùa ở Cao Lãnh nổi tiếng thu hút du khách
- Địa chỉ: Rạch Cái Bèo, ấp 3, xã Bình Hàng Trung, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Chùa Bửu Lâm (Chùa Tổ) được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Chùa mang đậm lối kiến trúc cổ kính, có bề dày lịch sử 300 năm và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh. Nhiều tài liệu ngày nay cho biết chùa do Thiền sư Thiện Châu, đời 33 Thiền phái Lâm Tế khai sơn.
Thiền sư Hải Huệ, đời 38 Thiền phái Lâm Tế đã cho đại trùng tu ngôi chùa, đúc đại hồng chung năm 1902. Điện Phật có khá nhiều tượng thờ, được bài trí trang nghiêm. Trong khuôn viên chùa còn giữ 11 ngôi tháp mộ chư vị trụ trì tiền nhiệm. Hàng năm, chùa tổ chức lễ giỗ tổ khai sơn Thiện Châu vào ngày 15 tháng 2 âm lịch.
Chùa Bửu Lâm không chỉ là chốn thanh tịnh để Phật tử trong tỉnh viếng thăm lễ Phật mà còn là điểm du lịch văn hóa tâm linh được Phật tử nhiều nơi khác biết đến. Hiện nay, có rất nhiều tour du lịch đưa du khách đến tham quan vãn cảnh chùa để tìm hiểu nguồn gốc, nét đẹp văn hóa tâm linh của ngôi chùa. Vì thế nếu đến Đồng Tháp đừng quên ghé thăm ngôi chùa ở Cao Lãnh – Bửu Lâm nhé.
Xem thêm:
- 5 ngôi chùa ở Củ Chi đẹp nhất, bạn nên ghé
- 6 ngôi chùa ở Bình Chánh đẹp, linh thiêng
2. Chùa Hòa Long – Chùa ở Cao Lãnh có quy mô lớn
- Địa chỉ: Phạm Hữu Lầu, Phường 4, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Chùa Hòa Long nằm bên cạnh Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Ở giữa khu di tích và chùa có xây dựng hoa viên, mở cổng phụ và đường nội bộ tạo lối liên thông dễ dàng. Điều này giúp du khách tìm hiểu về các giá trị văn hóa lịch sử của Cụ Phó bảng, của khu di tích Nguyễn Sinh Sắc với ngôi chùa Hòa Long – Ngôi chùa gắn với cuộc đời hoạt động của Cụ và công lao của tăng ni phật tử của chùa đã có công bảo vệ mộ Cụ.
Chùa Hòa Long được khởi công trùng tu từ năm 2008, với phần kinh phí hỗ trợ của chính quyền tỉnh Đồng Tháp, Ban Trị sự và Thích Chơn Thành. Sau một năm trùng tu với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, chùa Hòa Long đã hoàn tất việc trùng tu và đưa vào sử dụng. Ngôi chùa ở Cao Lãnh này xứng đáng là một cơ sở tín ngưỡng có quy mô lớn của Giáo hội phật giáo tại tỉnh Đồng Tháp.
3. Chùa Linh Bửu
- Địa chỉ: 268 Lê Duẩn, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Chùa Linh Bửu với lịch sử hơn 90 năm thành lập, hiện tọa lạc tại 268 Lê Duẩn, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ban sơ do Hòa thượng Chánh Hậu (tục gọi Thầy Hai-Trần Ngọc Hạp, sinh năm Giáp Thân 1884) sáng lập vào năm 1930.
Phát tích ban đầu của Chùa tọa lạc tại Ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc Thành Phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Chùa ban đầu là nơi đáp ứng nhu cầu chiêm bái của tín đồ Phật tử tại địa phương và Hòa thượng Chánh Hậu là tăng sĩ của Hội Lục Hòa Liên Xã (tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam).
Sau đó, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc, Hòa thượng tuy tuổi già, nhưng đã tích cực tham gia vào phong trào này và giữ chức Cố vấn Liên đoàn Phật giáo Thiền lâm cứu quốc huyện Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa.
Ngôi chùa Linh Bửu, với lịch sử chưa đầy 100 năm, nhưng đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, cũng như tham gia vào nhiều mốc lịch sử quan trọng của địa phương. Hiện tại, chư Tăng nơi đây lấy tôn chỉ “Thiền – Tịnh song tu” làm pháp tu, lấy “Trau dồi Trí – Đức” làm bổn hoài, dốc sức “Hoằng Pháp lợi sanh” làm phương châm hành đạo.
4. Văn Thánh Miếu Cao Lãnh
Một nơi tâm linh chiêm bái cũng được coi là chùa ở Cao Lãnh thu hút nhiều du khách đến tham quan đó là Văn Thánh Miếu Cao Lãnh. Nơi đây là một công trình kiến trúc được xây dựng từ năm 1857 với ý nghĩa đề cao việc học. Đặc biệt là nơi khôi phục và bảo tồn tinh túy Nho học.
Văn Thánh Miếu có một điện thờ chính, ở đó được dựng lên nhiều cột và treo nhiều câu liễn. Ở chính giữa văn miếu là một bàn thờ được sơn son thếp vàng – nơi đặt bài vị của Đức Khổng Tử. Hai bên bàn thờ là đặt bài vị của tứ thánh gồm Nhan Hồi, Tử Tư, Mạnh Tử, Tăng Tử.
Cạnh bàn thờ chính là hai bên phải trái đều có các bàn thờ nhỏ thờ các bậc tiền hiền, là những người đã có công với vùng đất Cao Lãnh ngày nay. Hiện nay Văn Thánh Miếu Cao Lãnh đã được xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh.
Lời kết
Trên đây là tổng hợp một số chùa ở Cao Lãnh linh thiêng được Top Xuyên Việt tổng hợp. Tại đây còn rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng khác thu hút nhiều du khách. Nếu có dịp ghé thăm bạn hãy dành thời gian khám phá và trải nghiệm.